đoàn thanh niên - hội sinh viên

trường đại học sài gòn

Hành trình đến với địa chỉ đỏ

|

HÀNH TRÌNH ĐẾN VỚI “ĐỊA CHỈ ĐỎ”

Nằm trong chuỗi hoạt động kỉ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 (1968 – 2018), sáng nay Ban Thường vụ Đoàn trường Đại học Sài Gòn đã tổ chức “Hành trình đến với địa chỉ đỏ” gắn liền với những ngày tháng hào hùng của cuộc Tổng tiến công xuân Mậu Thân 1968 mang bước ngoặt lịch sử của dân tộc.

Đây là cơ hội để các bạn cán bộ Đoàn, Hội được gặp gỡ những nhân chứng sống của cuộc tiến công, các cô chú là biệt động Sài Gòn trong cuộc chiến đấu anh dũng Tết Mậu Thân 1968. Đồng thời hành trình cũng là dịp để các bạn cán bộ Đoàn, Hội được hiểu thêm về những ký ức hào hùng về lịch sử, những cách đánh độc đáo, bài học ý nghĩa trong cách tiếp cận mới bằng duy tư khách quan và khoa học.

Chuyến hành trình đã đưa các đồng chí cán bộ Đoàn, Hội của trường đến tham quan, tìm hiểu địa chỉ Sở chỉ huy tiền phương của Biệt động Sài Gòn (hiện tọa lạc tại số 07 Lý Chính Thắng, phường 8, quận 3). Vẫn là dáng dấp của một quán Phở ngày nào, hẳn không ít người trong đoàn không khỏi ngạc nhiên khi được Bác Ngô Văn Lập hướng dẫn lên tầng trên của quan Phở. Đó chính là không gian mà các chiến sĩ thuộc phân khu 6 đã họp bàn và ra chỉ thị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy năm 1968. Qua lời giới thiệu của Bác Lập, đoàn tham quan đã được hiểu thêm phần nào về sự hy sinh, mất mát cũng như chiến thắng mà ta đã giành được trong mùa xuân  năm 1968.

Bên cạnh đó, các đồng chí cũng được đến tham quan, tìm hiểu các địa điểm Bia tưởng niệm chiến sĩ Biệt động Sài Gòn hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy; Hầm chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn (nay là 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, phường 05, quận 3) và  Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ (nay là 51/10/14 Cao Thắng phường 03, quận 03). Các cô, chú cán bộ phụ trách ở các địa chỉ đỏ đã giới thiệu về ý nghĩa, tầm quan trọng của các địa điểm trong việc chuẩn bị cho cuộc tiến công, nổi dậy. Và trong ký ức của nhiều cô chú chiến sĩ năm ấy, Tết Mậu Thân 1968 là cái Tết “lịch sử” trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm đó, ở vùng giải phóng, các cơ quan đơn vị chiến đấu tập trung ăn Tết cùng nhau rất sôi nổi và ấm tình đồng bào. Được nhân dân ủng hộ và góp sức, có gì ăn nấy, các đơn vị biệt động, bộ đội tập trung vừa hân hoan, vừa cảnh giác. Đêm giao thừa, vừa nghe Bác Hồ chúc Tết xong và cấp trên chỉ đạo, mỗi người một nhiệm vụ, sẵn sàng nghe mệnh lệnh, chấp nhận hy sinh gian khổ để quyết tâm chiến đấu với quân thù.

Thông qua chuyến đi, các bạn cán bộ Đoàn, Hội đã được trang bị thêm những kiến thức bổ ích và được thông tin chính xác hơn về Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Qua đó góp phần rèn luyện thêm bản lĩnh chính trị, hun đúc tinh thần hăng hái hơn trong học tập lẫn công tác.

Sau đây là một số hình ảnh của hành trình:

Chú Trần Văn Long (tức Ngô Văn Lập) con trai của ông Ngô Văn Toại – chủ tiệm Phở Bình,

giới thiệu về Sở chỉ huy tiền phương của Biệt động Sài Gòn

Các đồng chí cán bộ Đoàn, Hội dâng hoa tại Bia tưởng niệm chiến sĩ Biệt động Sài Gòn hy sinh

trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy

Đoàn tham quan tìm hiểu Hầm chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn

(nay là 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, phường 05, quận 3)

Đoàn tham quan tìm hiểu Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ (nay là 51/10/14 Cao Thắng phường 03, quận 03)

Tin: Hữu Khánh

Ảnh: Thành Tâm


Bài cùng chuyên mục:

Tìm kiếm

VanBanDoanHoi

ChuyenSinhHoatDoan

KetQuaChuyenSinhHoatDoan

 ThiTrucTuyen

PhanMemQuanLyHoatDongDoanHoi

DaiHocSaiGon

ThanhDoan

HoiSinhVienTP

TrungTam

TrungTamHoTroHSSV